Nông nghiệp tuần hoàn và quy trình sản xuất Nước Hoa Hồng SAOLA

Nông nghiệp tuần hoàn và quy trình sản xuất Nước Hoa Hồng Saola

Bạn có bao giờ tự hỏi rằng, trong môi trường ngày nay, làm thế nào chúng ta có thể kết nối khoa học sinh học với các sản phẩm thiên nhiên một cách bền vững? Tại LMX, chúng mình đã khám phá và áp dụng kinh tế tuần hoàn vào quá trình sản xuất nước hoa hồng Saola.

Hãy cùng mình tìm hiểu xem tại sao kinh tế tuần hoàn không chỉ là một lý thuyết mà còn là một hành động cụ thể có thể thay đổi cả cách chúng ta sống và sản xuất.

Áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Hồi còn đi học, mình đã học về một khái niệm gọi là chu trình tuần hoàn vật chất. Nó đại khái là chu trình trao đổi các chất trong tự nhiên, nơi các chất từ môi trường bên ngoài được hấp thụ, sử dụng và rồi quay trở lại môi trường.

Thiên nhiên đã duy trì vòng tuần hoàn này một cách hoàn hảo. Nhưng rồi, với nhiều tác động tiêu cực của con người như đốt nguyên liệu hóa thạch, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu quá liều, lãng phí nước, công nghiệp… chúng ta đang làm hỏng sự cân bằng đó.

Khi lớn hơn, mình biết đến một khái niệm mới gọi là Kinh tế tuần hoàn (circular economy). Đây là mô hình kinh tế mà các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đều nhằm mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường.

Áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Trong hệ thống này, các tài nguyên được tái sử dụng(reuse) thông qua chia sẻ (sharing), sửa chữa (repair), tân trang (refurbishment), tái sản xuất (remanufacturing) và tái chế (recycling), giảm thiểu tài nguyên đầu vào và lượng phế thải tạo ra, cũng như giảm ô nhiễm và khí thải.

Mục đích là kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm và tăng năng suất của tài nguyên. Tất cả “phế thải” từ quy trình sản xuất đều nên được xem như nguyên liệu cho các quy trình khác.

Áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp có nghĩa là sản xuất theo chu trình khép kín, sử dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để tái chế chất thải và phụ phẩm, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng và chế biến nông, lâm, thủy sản, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí và lượng chất thải. Điều này cũng giúp nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng và bảo vệ môi trường.

Quy trình chưng cất Nước Hoa Hồng Saola

Khi học về lý thuyết, mình chưa từng nghĩ sẽ có ngày áp dụng chúng vào thực tế. Chỉ đến năm 2019, khi bắt đầu trồng hoa hồng để chưng cất nước hoa hồng Saola, mình mới có cơ hội thực sự áp dụng. Có thể nói, đó là “Duyên” – duyên vì mình có cơ hội học về nó, đọc về nó và cuối cùng là dùng nó.

Nước hoa hồng Saola được làm từ giống hoa hồng cổ Son môi, quy trình chưng cất chỉ gồm 3 bước: làm giống, trồng và thu hái, chưng cất. Nhưng điều đặc biệt là trong 3 bước này, mọi thứ đều có sự tương tác lẫn nhau.

Quy trình chưng cất Nước Hoa Hồng Saola

Như bạn đã biết, LMX có một xưởng sản xuất tinh dầu. Ngoài tinh dầu, mình còn có 2 phụ phẩm nữa là Hydrosol và xác bã hữu cơ sau chưng cất. Vậy mình làm gì với những xác bã này?

Sử dụng phụ phẩm từ quy trình sản xuất

Xác bã của các loại củ và vỏ như Thiên niên kiện, thanh trà mình sẽ ủ hoai để làm giá thể cho vườn giống hoa hồng. Mặc dù mình đã chọn giống hoa hồng kháng sâu bệnh, nhưng không có nghĩa là chúng hoàn toàn chống chịu được.

Sử dụng phụ phẩm từ quy trình sản xuất

Hằng năm mình vẫn phải làm giống để trồng thay thế những cây yếu hoặc chết. Còn các loại xác bã thân và lá như Tràm, Sả mình sử dụng để tủ gốc hoa hồng, vừa chống nắng, giảm cỏ, lại cung cấp chất hữu cơ cho đất.

Sử dụng phụ phẩm từ quy trình sản xuất

Sử dụng Hydrosol để phòng ngừa sâu bệnh

Mình đã chia sẻ về việc không sử dụng thuốc hóa học trong quá trình canh tác hoa hồng. Vậy mình dùng gì để phòng ngừa sâu bệnh? Đó là Hydrosol. Mình may mắn tiếp cận được nhiều tài liệu khoa học, biết rằng các hoạt chất trong tinh dầu Sả, Hương nhu, Thiên niên kiện, Quế… được dùng làm thuốc trừ sâu sinh học. Ban đầu, mình chỉ phun Hydrosol, nhưng hiệu quả không kéo dài vì tinh dầu trong Hydrosol dễ bay hơi.

Sử dụng Hydrosol để phòng ngừa sâu bệnh

Lại là một “duyên” khác. Khi học đại học, mình biết rằng côn trùng có lỗ thở rất nhỏ ở bên cạnh hông. Chỉ cần bịt kín lỗ thở này, cộng với tác dụng của tinh dầu, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Vậy là mình nghĩ ngay đến xà bông. Mình nấu chảy các mảnh vụn xà bông, hòa thêm Hydrosol rồi phun cho hoa hồng. Đúng như dự đoán, hiệu quả kéo dài từ 3-7 ngày tùy theo loại côn trùng.

Qua quá trình này, mình đã thực sự thấy được sức mạnh của kinh tế tuần hoàn trong thực tế, và mình muốn chia sẻ nó với các bạn để chúng ta cùng nhau bảo vệ môi trường.

Kết Luận

Kinh tế tuần hoàn không chỉ là lý thuyết mà còn có thể áp dụng thực tế để bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất. Việc tận dụng phụ phẩm, giảm thiểu lãng phí và sử dụng các giải pháp tự nhiên trong sản xuất không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Hãy cùng chia sẻ bài viết này và áp dụng các phương pháp kinh tế tuần hoàn trong cuộc sống và sản xuất của bạn. Tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và sử dụng sản phẩm từ thiên nhiên để góp phần bảo vệ hành tinh của chúng ta.



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *