Sử dụng cây dược liệu để hỗ trợ điều trị bệnh và bồi bổ cơ thể là phương pháp được nhiều người lựa chọn. Bài viết hôm nay sẽ tổng hợp 5 cây dược liệu mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe cũng như cách sử dụng những cây này sao cho an toàn, hiệu quả.
1. 5 cây dược liệu được nhiều người tin dùng
Trong Đông y hay Y học cổ truyền, cây dược liệu còn gọi là thảo dược. Đây là tên gọi chung của những cây có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh hoặc bồi bổ, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Vậy đó là những loại cây nào?
Cây bạch quả
Cây bạch quả còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như cây ngân hạnh, cây áp cước tù, công tôn thụ,… Đây là cây dược liệu rất quen thuộc và có tác dụng chữa nhiều bệnh khác nhau. Trong Đông y, hầu như các bộ phận của cây đều được sử dụng, cụ thể như sau:
● Hạt bạch quả dùng để điều trị hen suyễn, ho mạn tính, ho có đờm,… hay các bệnh lý về phổi, hô hấp.
● Lá bạch quả giúp tăng cường trí nhớ, làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ, mất trí nhớ do ảnh hưởng từ bệnh Alzheimer.
● Thân cây bạch quả có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
Lá cây bạch quả tốt cho hệ thần kinh, giúp tăng cường trí nhớ
Cây anh thảo
Anh thảo là cây dược liệu được sử dụng rất nhiều ở các nước Bắc Mỹ và châu Âu. Giống như cây bạch quả, các bộ phận của cây anh thảo đều được tận dụng để chữa bệnh, bao gồm:
● Lá cây anh thảo giúp chữa lành vết thương, vết bầm tím hoặc làm thuyên giảm các triệu chứng viêm họng, đau dạ dày.
● Tinh dầu từ hoa anh thảo mang đến nhiều công dụng cho sức khỏe, chẳng hạn như xoa dịu thần kinh, giảm căng thẳng; cải thiện tình trạng rối loạn nội tiết tố ở nữ giới; giảm cholesterol và duy trì sự ổn định của huyết áp.
● Rễ cây anh thảo được dùng để điều trị mụn nhọt và các vấn đề về da như viêm da, vảy nến, chàm, mẩn ngứa,…
Cây tràm trà
Cây dược liệu này có nguồn gốc từ châu Úc. Ở nước ta, cây mọc khá nhiều và được sử dụng rất phổ biến trong Đông y bởi mang đến nhiều công dụng và lợi ích cho sức khỏe.
● Chiết xuất từ cây tràm trà có tác dụng chữa lành vết thương, phòng ngừa viêm nhiễm; cải thiện tình trạng da dầu, da nổi mụn, da mẩn ngứa.
● Tinh dầu tràm trà có khả năng làm ấm cơ thể, nhất là cho em bé và phụ nữ sau sinh. Có thể thoa trực tiếp tinh dầu tràm trà lên cơ thể mà không lo bị nóng, hoặc dùng pha nước tắm rất tốt, giúp mẹ và bé phòng tránh cảm lạnh, ho sốt, ngạt mũi,…
● Tràm trà được sử dụng để điều chế, bào chế các loại thuốc chống viêm, ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
Tinh dầu từ cây tràm trà giúp giữ ấm cơ thể, phòng ngừa ho, cảm lạnh
Cây trinh nữ
Có lẽ đây là cây dược liệu đã quá quen thuộc với người Việt chúng ta, còn được biết đến với cái tên gần gũi hơn là cây mắc cỡ. Trong Y học cổ truyền và cả trong Y học hiện đại, cây trinh nữ đều được đánh giá cao bởi nhiều công dụng.
● Trong Y học cổ truyền: Cây trinh nữ dùng để nấu nước uống, giúp chữa bệnh mất ngủ và suy nhược thần kinh. Ngoài ra, rễ, thân và lá cây còn có tác dụng giảm ho, tiêu đờm hiệu quả.
● Trong Y học hiện đại: Các hoạt chất Alkaloid, Flavonoid, acid amin, acid hữu cơ trong cây trinh nữ có tác dụng cải thiện chức năng tim mạch, phòng chống co giật động kinh, huyết áp thấp,…
Cây oải hương
Sẽ thật thiếu sót nếu nhắc đến các cây dược liệu mà bỏ qua cây oải hương. Oải hương có nguồn gốc từ châu Phi và Địa Trung Hải nhưng hiện được trồng nhiều trên thế giới nhờ vào vẻ đẹp, hương thơm của hoa cùng nhiều lợi ích cho sức khỏe.
● Tinh dầu hoa oải hương tác động trực tiếp đến hệ thần kinh của con người, có tác dụng an thần, mang đến một tinh thần thư thái, dễ chịu và có được giấc ngủ ngon.
● Tinh dầu hoa oải hương còn có đặc tính chống viêm, sát trùng, giúp vết thương nhỏ, vết côn trùng cắn mau lành, giảm kích ứng.
● Người ta còn sử dụng tinh dầu hoa oải hương để khắc phục chứng đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn do rối loạn tiêu hóa.
Tinh dầu từ hoa oải hương mang đến sự thư thái, dễ dịu
2. Lưu ý khi sử dụng cây dược liệu
Mặc dù được đánh giá là an toàn, lành tính, thế nhưng, bạn tuyệt đối không chủ quan khi sử dụng cây dược liệu để chữa bệnh hay bồi bổ cơ thể. Thay vào đó, cần tuân thủ các nguyên tắc sau để phòng tránh các rủi ro không mong muốn.
● Biết đúng tên cây dược liệu, tuyệt đối không nhầm lẫn cây này với cây khác. Bởi một số cây có thể giống nhau về hình thái, đặc điểm bên ngoài nhưng tên gọi và công dụng sẽ khác nhau.
● Sử dụng đúng bộ phận của cây dược liệu. Một số cây có thể dùng được tất cả các bộ phận, nhưng số khác thì chỉ có thể dùng hoa, lá, thân hoặc rễ. Và mỗi bộ phận có một công dụng khác nhau, tùy mục đích mà lựa chọn và sử dụng cho đúng.
● Sơ chế và chế biến cây dược liệu đúng cách để vừa loại bỏ được bụi bẩn và độc tố, vừa không làm giảm các tác dụng và thành phần hoạt chất trong cây.
● Dược liệu có thể tương tác với một số thuốc điều trị nên cần cân nhắc và thận trọng khi sử dụng kết hợp.
● Với trẻ em, phụ nữ mang thai hay người có bệnh lý nền thì việc sử dụng bất kỳ cây dược liệu nào cũng cần hết sức chú ý. Tốt nhất vẫn là tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Tuyệt đối không chủ quan khi sử dụng cây dược liệu để điều trị bệnh
Tóm lại, cây dược liệu có thể được dùng để chữa bệnh. Nhưng chữa bệnh gì, sử dụng như thế nào, phù hợp với ai,… thì bạn cần phải nắm rõ để tránh rủi ro và sự cố không mong muốn. Để đảm bảo an toàn, việc tham khảo ý kiến của bác sĩ Đông y là rất quan trọng.
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn biết được những cây dược liệu nào có lợi cho sức khỏe và sử dụng ra sao để an toàn. Điều này vừa giúp bạn cải thiện được tình trạng bệnh, vừa phòng tránh “rước họa vào thân” do thiếu thông tin và chủ quan.
Nguồn: medlatec